Amazon hợp tác TikTok Shop để cạnh tranh Shein và Temu

Cuộc chiến giữa các ông lớn trong ngành thương mại điện tử đang bước vào giai đoạn cao trào, với sự cạnh tranh gay gắt giữa Amazon, TikTok Shop, Shein và Temu. Thị trường mua sắm trực tuyến không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là một đấu trường chiến lược, nơi các thương hiệu tranh giành sự ưu ái của người tiêu dùng toàn cầu.

Dựa trên báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Hoa Kỳ chiếm hơn 37% thị trường xuất khẩu chính của thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc. Trước sự thống trị này, Amazon đang đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp và gay gắt từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Temu trong việc thu hút người tiêu dùng Mỹ. Điều này đòi hỏi Amazon phải liên tục thích ứng và theo dõi chặt chẽ thị trường và điều chỉnh chiến lược để duy trì và tăng cường vị thế của mình trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc. 

Toàn cảnh về cuộc đua giữa các ‘ông lớn’ sàn thương mại điện tử

Vào tháng 7/2024, Amazon tổ chức một sự kiện tại Thâm Quyến, Trung Quốc, để ra mắt nền tảng mới chuyên cung cấp các mặt hàng thời trang và phong cách sống giá rẻ. Nền tảng này cho phép các nhà bán lẻ Trung Quốc giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ, mở rộng khả năng cung cấp hàng hóa giá rẻ và thúc đẩy sự hiện diện của sản phẩm Trung Quốc trên thị trường quốc tế.

Bà Maria Boschetti – Đại diện phát ngôn của Amazon cho biết khi trả lời các câu hỏi về chương trình của Bloomberg: “Chúng tôi luôn khám phá những cách thức mới để hợp tác với các đối tác bán hàng nhằm mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn, giá cả thấp hơn và tiện lợi hơn”.

Bên cạnh đó, mới đây Amazon đã tuyên bố hợp tác với TikTok Shop cho phép người dùng có thể trực tiếp mua hàng từ Amazon thông qua ứng dụng video ngắn phổ biến thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc). Cụ thể, người dùng sẽ thấy sản phẩm từ Amazon thông qua mục ‘Dành cho bạn’ (For You) và họ cũng sẽ thấy giá theo thời gian thực, ước tính thời gian giao hàng, thông tin chi tiết về sản phẩm. 

Sự hợp tác giữa TikTok và Amazon phản ánh cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai nền tảng, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, với các đối thủ như Shein và Temu. Amazon lo ngại sự hiện diện của Shein, Temu tại Mỹ và các nơi khác có thể giảm sút trước sự gia tăng của các dịch vụ mua sắm trực tuyến giá rẻ từ nền tảng này.  

Các sàn thương mại điện tử liên tục đưa ra những chiến lược ưu đãi và hỗ trợ cho người tiêu dùng lẫn người bán  

Shein và Temu được biết đến là một trong những trang bán lẻ Trung Quốc được thị trường người tiêu dùng tại Mỹ ưa chuộng. Thương hiệu đã thu hút ngày càng nhiều người mua sắm Mỹ với chiến lược giá rẻ cho các mặt hàng quần áo, điện tử, đồ gia dụng và các sản phẩm khác.

Theo báo cáo từ Global Wireless Solutions, người tiêu dùng tại Mỹ dành ra hơn 20 phút mỗi ngày để xem các mặt hàng trên sàn thương mại điện tử Temu và hơn 10 phút cho Shein. Tuy nhiên, họ lại dành ít thời gian hơn cho sàn Amazon. 

Được biết, nền tảng của Shein có hai hướng phát triển chính, một mặt hướng đến người tiêu dùng trên thế giới bên ngoài Trung Quốc, sử dụng chiến lược marketing hiệu quả để đưa các mặt hàng thời trang nhanh hấp dẫn đến trước mặt khách hàng mục tiêu trên các trang mạng xã hội, thông qua trang web riêng và trên các ứng dụng di động. Mặt còn lại của nền tảng này liên kết mạng lưới 6.000 nhà máy may mặc tại Trung Quốc với nhu cầu trên toàn thế giới. 

Trong khi Shein có 6.000 nhà máy may mặc thì Temu của PDD Holdings có 100.000 nhà máy, họ vận hành mô hình “ký gửi toàn bộ” hàng hóa từ các nhà cung cấp bên thứ ba cho người tiêu dùng mà không sở hữu hàng hóa, tiết kiệm hàng tồn kho và vốn lưu động. Chính vì thế, Temu là sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp nhiều loại sản phẩm với mức giá rẻ hơn, ví dụ như một chiếc nồi điện được bán với giá 2,14 USD hay một bộ đồ bơi có giá 6,18 USD và miễn phí vận chuyển.  

Người phát ngôn của Temu cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi mô hình trực tiếp từ nhà máy của Temu được người tiêu dùng Hoa Kỳ tin tưởng về các sản phẩm giá cả phải chăng” 

Theo khảo sát của Omnisend survey về số người mua hàng không thích nhất những gì về thương hiệu và nỗi lo về giá chính là vấn đề lớn nhất của Amazon nếu sàn thương mại điện tử muốn đứng vững tại thị trường Hoa Kỳ. Còn Shein và Temu thì do giá cả rẻ hơn nên nhiều người tiêu dùng chấp nhận việc giao hàng từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ sẽ lâu hơn và đồng thời họ lại có nhiều chương trình giảm giá diễn ra thường xuyên hơn. Một ví dụ điển hình về giá cả phải chăng của nền tảng Temu là vào cuối tháng 7/2024, thương hiệu đã chính thức triển khai nền tảng của mình tại Thái Lan và triển khai chương trình giảm giá lên đến 90%.

Nói thêm về vấn đề về giá của Amazon, Juozas Kaziukėnas – Người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Marketplace Pulse, cho biết: “Cách duy nhất để Amazon có thể cân bằng giá là sao chép lợi thế của chuỗi cung ứng này”.

Đứng trước ‘mối đe dọa’ đến từ hai nền tảng mua sắm trực tuyến như Shein và Temu thì Amazon đã bắt đầu thực hiện nhiều chiến lược ưu đãi và hỗ trợ người bán, bao gồm: mở các văn phòng mới tại các thành phố nội địa như Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Các văn phòng này hỗ trợ người bán tại các thành phố lân cận và khu vực xung quanh, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới với các người bán nhỏ và vừa như các nhà máy ở vùng nông thôn. 

Đối với các công ty hạn chế kiến thức về xuất khẩu hoặc phát triển thương hiệu, các văn phòng này có thể giúp họ sử dụng mạng lưới logistics của Amazon và các nguồn lực khác để bán sản phẩm ra toàn cầu. Tài khoản chính thức của Amazon trên ứng dụng mạng xã hội WeChat cũng đang làm việc để tuyển dụng người bán, tổ chức các buổi hội thảo trực tiếp gần như hàng ngày cho những người đang cân nhắc việc liệt kê sản phẩm. “Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tổ chức hàng chục sự kiện cho hàng ngàn người bán”Phó Chủ tịch Amazon Trung Quốc nói với truyền thông Trung Quốc vào tháng 5.

Bên cạnh đó, Amazon đã chính thức triển khai chính sách ưu đãi từ tháng 1/2024, họ giảm phí cho người bán các sản phẩm quần áo. Nếu một chiếc áo hoặc quần có giá dưới 15 USD thì phí bán hàng sẽ chỉ là 5%. Nếu giá từ 15 đến 20 USD thì phí sẽ là 10%. Trước đây, Amazon tính phí 17% cho tất cả các sản phẩm quần áo trong hai mức giá này.

Theo Lucas Barnes – Cựu giám đốc điều hành của Amazon: “Điều này sẽ khiến Amazon cạnh tranh hơn nhiều trong danh mục hàng may mặc giá rẻ vì một hoặc hai USD là đã có thể tạo ra sự khác biệt lớn”.

Không chỉ Amazon là công ty nước ngoài duy nhất có mong muốn gia nhập cuộc đua này mà Shopee, một nền tảng thương mại điện tử có nguồn gốc từ Singapore, đang thực hiện một chiến lược tương tự. Shopee thuộc tập đoàn Sea, và đang sử dụng các hội thảo trực tuyến trên WeChat để tiếp cận các nhà bán lẻ Trung Quốc. Mục tiêu của Shopee là thu hút những nhà bán lẻ này mở rộng hoạt động vào các thị trường Đông Nam Á, nơi Shopee đã có một lợi thế cạnh tranh rõ rệt nhờ vào sự hiện diện và hiểu biết sâu sắc về thị trường địa phương. 

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Amazon và các gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Temu đang thúc đẩy Amazon không ngừng đổi mới và cải tiến chiến lược của mình. Nhìn về tương lai, sự đổi mới liên tục và khả năng thích ứng sẽ là chìa khóa giúp Amazon duy trì và mở rộng ảnh hưởng của mình.

Nguồn: Advertising Vietnam