Cách doanh nghiệp tận dụng nhân viên để lan tỏa thương hiệu: Cần chứng minh giá trị sản phẩm thay vì “ép buộc”
Người tiêu dùng thường tin vào con người hơn là một tổ chức hay thương hiệu nào đó. Nghiên cứu gần đây của Edelman đã cho thấy rằng, có tới 63% người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18-34 tin tưởng vào những gì mà người có sức ảnh hưởng nói về thương hiệu. Vì vậy, các công ty thường khuyến khích người lao động của họ – những người hiểu rõ về doanh nghiệp – quảng bá sản phẩm cho bạn bè, người thân và xã hội nhằm thúc đẩy tỉ lệ ủng hộ thương hiệu.
Trong đa số trường hợp, người lao động có thể là nhóm khách hàng ủng hộ sản phẩm nhiệt tình nhất, với điều kiện là họ phải yêu thích và quan tâm đến công ty của mình. Từ đó, hình thành tư tưởng ủng hộ doanh nghiệp. Nếu thương hiệu của công ty được định vị tốt, đồng nghĩa với việc những yếu tố như lợi nhuận, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhân viên cũng sẽ được đảm bảo.
Để có được sự ủng hộ của nhân viên, thương hiệu phải mang những giá trị tương xứng với điều đó. Nếu công ty có sản phẩm và dịch vụ không tốt, văn hóa làm việc không hỗ trợ nhân viên, khả năng cao người lao động sẽ lựa chọn nghỉ việc hơn là phải ủng hộ những giá trị, sản phẩm đi ngược với quan niệm cá nhân của họ.
Vì sao khuyến mãi dành cho nhân viên vẫn là chưa đủ?
Các công ty thường cung cấp những đặc quyền và ưu đãi như tiền thưởng, phiếu giảm giá cho bạn bè và gia đình, khen thưởng nội bộ… để đổi lấy sự ủng hộ thương hiệu của nhân viên. Các phần thưởng này tuy hấp dẫn, nhưng không phải là lý do duy nhất để nhân viên ủng hộ công ty. Để có được sự quan tâm của người lao động, các doanh nghiệp cần phải làm điều gì đó khác biệt.
Thương hiệu có thể dựa vào sự trung thành và đam mê của nhân viên để truyền đi những thông điệp tốt đẹp mà không nhất thiết phải đưa ra các ưu đãi. Niềm tin của nhân viên vào thương hiệu sẽ được gìn giữ bền vững nhờ vào chất lượng và giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Sự ủng hộ phải xuất phát từ mong muốn của nhân viên
Sự ủng hộ của nhân viên có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho công ty, như tăng nhận diện thương hiệu, mở rộng mạng lưới bán hàng… Tuy nhiên, thương hiệu cần đảm bảo sẽ không đe dọa về những ảnh hưởng xấu đến công việc nếu nhân viên lựa chọn không ủng hộ thương hiệu.
Gần đây, CEO của một công ty công nghệ lớn đã ra thông báo trong một cuộc họp toàn thể rằng, ông mong nhân viên sẽ bán sản phẩm của công ty cho những người trong vòng quan hệ cá nhân của họ. Vấn đề là một số sản phẩm của công ty này được đánh giá dưới mức trung bình và nhân viên không muốn giới thiệu cho người thân của họ. Giám đốc này đã đưa ra cho nhân viên một lựa chọn khác là nghỉ việc. Dù cho quy mô và tên tuổi của công ty có lớn mạnh như thế nào đi chăng nữa, các nhân viên bắt đầu có những nghi ngờ về tương lai phát triển tại môi trường đó và mong muốn tìm công việc khác.
Có thể thấy, động cơ cho việc ủng hộ thương hiệu phải chân chính, xuất phát từ mong muốn thật sự của nhân viên. Việc đề nghị nhân viên ủng hộ công ty cần được thực hiện một cách chính trực. Nếu không, nhân viên sẽ ngày càng xa lánh lãnh đạo và các mối quan hệ cá nhân của họ cũng có nguy cơ bị tổn hại.
Cách để xây dựng sự ủng hộ thương hiệu của nhân viên
Việc kêu gọi nhân viên ủng hộ thương hiệu phải bắt nguồn từ sự lắng nghe, cung cấp thông tin và cam kết. Khi đề nghị nhân viên ủng hộ cho sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu, công ty có trách nhiệm phải cung cấp cho nhân viên đầy đủ thông tin để họ có thể tự ra quyết định về việc có sử dụng sản phẩm/dịch vụ hay quảng bá thương hiệu hay không. Các thông tin đó phải dễ đọc, dễ tiếp cận, và phải được truyền tải đến các nhân viên bằng thái độ cam kết nhất.
Hiện nay, một số công ty thường tổ chức các chiến dịch nội bộ tại một thời điểm nào đó trong năm nhằm tăng doanh số thông qua việc đề nghị nhân viên giới thiệu sản phẩm cho bạn bè và người thân để nhận tiền “hoa hồng”. Tuy nhiên, các công ty lại không duy trì hoạt động nội bộ tại những thời điểm khác trong năm để quảng bá cho các sản phẩm, khiến chiến dịch trước đó chỉ có tính đốc thúc doanh số bán hàng một cách nhất thời mà không quan tâm đến mong muốn thật sự của nhân viên hay gia đình, bạn bè của họ.
Trước khi trông cậy vào việc nhân viên quảng bá sản phẩm, các công ty cần khai thác những phản hồi và góp ý từ phía nhân viên. Đây sẽ là nguồn thông tin quý giá để công ty hiểu thêm về thị trường, mang lại lợi ích trong việc vận động sự ủng hộ thương hiệu, phát triển và cải thiện các sản phẩm và dịch vụ mà họ bán.
Một số công ty mong muốn nhân viên của họ sẽ là một “storyteller” (người kể chuyện) để truyền tải câu chuyện của thương hiệu đến với mọi người. Các công ty cần đầu tư vào truyền thông nội bộ và xây dựng thương hiệu tuyển dụng để đảm bảo câu chuyện của họ gây được tiếng vang với nhân viên. Nếu công ty không nỗ lực kết nối nhân viên với câu chuyện của thương hiệu, nhân viên sẽ khó có thể nhận biết được các lợi ích từ thương hiệu, cũng như hình thành mối liên hệ tình cảm dẫn đến hành động ủng hộ thương hiệu. Việc truyền thông tốt về thương hiệu tuyển dụng có tác động và lợi ích vượt xa việc cung cấp thông tin một cách đơn thuần, giúp thu hút nhân viên theo cách cộng hưởng và tạo ra sự gắn kết bằng niềm tự hào, đam mê và niềm tin.
Tựu chung lại, các công ty tìm kiếm sự ủng hộ thương hiệu từ nhân viên phải đảm bảo những tiêu chí:
- Cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao
- Những sản phẩm và dịch vụ đó có sự kết nối với nhân viên
- Sự ủng hộ xuất phát từ động cơ trong sáng hơn là mong muốn được khen thưởng
- Không đe dọa về hậu quả nếu nhân viên quyết định không ủng hộ
- Nhân viên hiểu biết về những lợi ích từ thương hiệu
- Nhân viên là những người tham gia tích cực trong chương trình vận động và đưa ra phản hồi, đóng góp ý kiến
- Nhân viên có các công cụ và khả năng để truyền tải câu chuyện của thương hiệu một cách thuyết phục, gây dấu ấn.
Sự ủng hộ của nhân viên được sinh ra từ niềm tin vào thương hiệu và mong muốn thực sự để truyền bá những điều tốt đẹp. Các công ty có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đó bằng cách hợp tác với nhân viên và xây dựng một mối quan hệ gắn kết trong quá trình thực hiện.