Nestlé tiếp tục được vinh danh thương hiệu thực phẩm giá trị nhất thế giới
Không chỉ là thương hiệu thực phẩm có giá trị nhất thế giới, Nestlé còn xếp vị trí đứng đầu trong Top 10 công ty thực phẩm có giá trị nhận thức về bền vững trên thế giới năm 2023.
Tại Việt Nam, Nestlé đang triển khai nhiều sáng kiến nhằm giúp giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tái sinh bền vững, nâng cao sinh kế người dân và chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Theo Báo cáo thường niên về ngành thực phẩm và đồ uống năm 2023 của Brand Finance (công ty toàn cầu về định giá thương hiệu, có trụ sở chính tại Luân Đôn – Anh quốc), Nestlé tiếp tục là thương hiệu thực phẩm có giá trị nhất thế giới, với giá trị thương hiệu được định giá lên đến 22,4 tỷ USD, đồng thời đứng vị trí số 1 về bền vững trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu thực phẩm. Trong đó, giá trị nhận thức về tính bền vững của Nestlé được định giá lên đến 1,35 tỷ USD.
Hằng năm, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu Brand Finance tiến hành đánh giá 5.000 thương hiệu lớn nhất và công bố hơn 100 báo cáo, xếp hạng các thương hiệu trên tất cả các lĩnh vực và quốc gia. Top 100 thương hiệu Thực phẩm mạnh nhất và giá trị nhất thế giới được đưa vào bảng xếp hạng thường niên Brand Finance Food 100 năm 2023.
Theo báo cáo của Brand Finance, Nestlé được đánh giá là tập đoàn phát triển bền vững trên toàn cầu nhờ thực hiện các cam kết về môi trường và trách nhiệm xã hội, thu mua có trách nhiệm, hỗ trợ phát triển thể chất và dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Nestlé đã có nhiều bước tiến quan trọng về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể, Nestlé là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới minh bạch về giá trị dinh dưỡng của tất cả danh mục sản phẩm Nestlé trên toàn cầu, dựa trên Hệ thống tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm tốt cho sức khỏe (Health Star Rating – HSR), nhằm đi đầu trong việc đem đến bữa ăn ngon và cân bằng dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Nestlé còn thực hiện theo đúng lộ trình như cam kết hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero), đồng thời công bố báo cáo tự nguyện về tác động và rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy sự minh bạch thông tin và cam kết nhất quán về các hành động chống biến đổi khí hậu.
Tập đoàn cũng thực hiện các sáng kiến bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị), góp phần đem đến cơ hội phát triển nghề nghiệp cho giới trẻ trên toàn cầu và nâng cao quyền năng của phụ nữ tại nơi làm việc và trong cộng đồng.
Trong lĩnh vực thực phẩm, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng lớn, có thể nhận thấy từ nông trại đến các kệ hàng siêu thị. Hạn hán đang khiến tình trạng thiếu lương thực ở nhiều quốc gia ngày càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, thực phẩm cũng có thể tác động đến biến đổi khí hậu. Hiện các hoạt động sản xuất nuôi trồng phục vụ cho nhu cầu lương thực thực phẩm của con người góp phần tạo ra gần 1/3 lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Vì vậy, với vai trò là tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới, Nestlé đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh thông qua hợp tác cùng người nông dân, nhà cung ứng, nhà bán lẻ và người dùng.
Tại Việt Nam, Nestlé đang hỗ trợ người nông dân, góp phần chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh trong canh tác cây cà phê tại Tây Nguyên. Thông qua chương trình Nescafé Plan triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011 đến nay, Nestlé cùng người nông dân thực hiện nhiều sáng kiến góp phần cải thiện chất lượng hạt cà phê Việt, bảo tồn đất và đa dạng sinh học, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thúc đẩy đa dạng sinh học và tăng thu nhập cho người nông dân.
Hướng tới việc thực hiện mục tiêu Net Zero, Nestlé tăng cường hợp tác với các bộ, đơn vị chuyên môn, đối tác doanh nghiệp, người nông dân cùng thực hiện các sáng kiến để giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu nguyên liệu đầu vào, sản xuất cho đến bao bì sản phẩm sau tiêu dùng.
Đối với nguyên liệu đầu vào, hiện hạt cà phê xanh tại Việt Nam được Nestlé thu mua có trách nhiệm thông qua Nescafé Plan. Chương trình này đã giúp người nông dân tiết kiệm 40%-60% nước dùng cho tưới tiêu trong canh tác cà phê, giảm 20% lượng phân bón/ thuốc trừ sâu.
Từ năm 2015, 100% nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu “Không chất thải rắn chôn lấp ra môi trường”. Riêng trong năm 2022, nhờ các sáng kiến tái sử dụng, tái chế và tuần hoàn nước, các nhà máy của Nestlé Việt Nam đã tiết kiệm hơn 240.000 m3 nước trong sản xuất.
Toàn bộ bã cà phê được tái sử dụng làm nhiên liệu sinh khối cho lò hơi trong sản xuất cà phê, giúp giảm thiểu trung bình hơn 14.000 tấn CO2 phát thải và tiết kiệm 54 tỷ đồng chi phí nhiên liệu mỗi năm. Tính đến cuối năm 2022, gần 90% bao bì sản phẩm của Nestlé Việt Nam được thiết kế để có thể tái chế, tái sử dụng.
Nhờ các nỗ lực không ngừng nhằm đem đến các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của người dùng và xây dựng các hệ thống thực phẩm tái sinh bền vững, tại Việt Nam, Nestlé được bình chọn là doanh nghiệp bền vững nhất trong lĩnh vực sản xuất trong 2 năm liên tiếp (2021, 2022).
Đây là xếp hạng uy tín do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thực hiện, thuộc Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 100), với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.